Anne Mulcahy - Người cứu Xerox khỏi phá sản

Tổng giám đốc điều hành của Xerox, bà Anne Mulcahy được đồng nghiệp mệnh danh là “bác sỹ cấp cứu” bởi chính “khóa trị liệu cấp tốc” của bà đã đưa công ty nổi danh này thoát khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng.

Hiện giờ “bệnh nhân” đã hoàn toàn bình phục và khiến các cổ đông rất đỗi hài lòng vì đang “ăn trả bữa” bằng những chỉ số hết sức lạc quan trên thị trường chứng khoán.

Cái tên Xerox đã nổi tiếng từ rất lâu. Bởi thế, khó mà tưởng tượng được rằng vào đầu năm 2000, công ty từng chênh vênh bên bờ vực phá sản. Rất may, vị tân giám đốc đã đảo ngược được tình thế. Anne Mulcahy xắn tay áo lao vào việc, và chỉ tới cuối năm đó, công ty đã bắt đầu có lãi, rồi sau đó cứ “thừa thắng” đi lên.

Ngày nay, doanh thu của Xerox đạt tới con số 17 tỉ đô la mỗi năm, với các chi nhánh hoạt động tại 130 nước trên thế giới, phục vụ 5 triệu khách hàng. Nhà máy sản xuất của Xerox nằm tại châu Mỹ, châu Á và châu Âu. Thử hỏi, sau đó còn ai dám nghi ngờ vào vai trò lãnh đạo của phụ nữ?

Anne Mulcahy sinh ngày 21/10/1952 tại New York. Lớn lên trong một gia đình có tới bốn anh em trai, Anne từ nhỏ đã phải luôn chứng tỏ rằng con gái cũng không hề kém cỏi.

Tốt nghiệp phổ thông, Anne thi vào khoa báo chí trường Marymount ở Terrytown, bang New York. Năm 1974 cô nhận bằng thạc sỹ và thử làm việc theo nghề nhà báo, nhưng rồi chẳng bao lâu sau cô thất vọng về con đường đã chọn.

Năm 1976, Anne quyết định rẽ ngoặt sang một hướng mới: xin vào phòng kinh doanh của Công ty Xerox. Làm một công việc hoàn toàn trái nghề, nhưng từng bước từng bước tự tin, tới những năm 90 Anne đã dần dần đứng vào các vị trí lãnh đạo.

Bà giữ chức phó tổng giám đốc phát triển nhân sự, sau đó chuyển sang vị trí giám đốc phụ trách khách hàng ở các khu vực khác nhau: Trung và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi. Năm 1997 bà nhậm chức lãnh đạo bộ máy quản lý của tập đoàn.

Vào thời điểm đó trong công ty đang diễn ra những thay đổi lớn về nhân sự, do nguy cơ khủng hoảng đang ngày một rõ rệt: Xerox rất vất vả chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh, nhất là khi trên thương trường xuất hiện những công ty khổng lồ như IBM và HP.

Thảm họa phá sản dường như đã hiển hiện ngay gần kề, và đó là một điều vô cùng đáng buồn, bởi Xerox là công ty đầu tiên cho ra đời kỹ thuật copy với lịch sử phát triển từ năm 1906. Chính Xerox là tác giả của chiếc máy photocopy đầu tiên, máy fax đầu tiên và máy in lazer đầu tiên.

Có những sản phẩm chúng ta đang sử dụng mà không mảy may biết rằng tác giả của chúng là Xerox. Ví dụ, chuột máy tính và giao diện dạng ô cửa sổ chẳng phải là sản phẩm của Steve Jobes, nhà sáng lập công ty máy tính Apple như mọi người vẫn lầm tưởng, mà là những đứa con tinh thần của trung tâm nghiên cứu khoa học Xerox tại Palo-Alto.

Mặc dù đã trải qua một chặng đường đầy vẻ vang như thế, nhưng vào năm 2000, đại bản doanh của Xerox tại Stamford, một bầu không khí nặng nề bao trùm lên tất cả đội ngũ lãnh đạo và nhân viên.

Chỉ trong vòng nửa năm, trị giá cổ phiếu của công ty giảm từ 64 đô la xuống còn có 4.46 đô la. Nợ của Xerox tăng vọt tới con số kỷ lục - 17 tỉ đô.

Ngày 9/1/2000 tờ New York Post tung ra một dòng tin giật gân: ban lãnh đạo của Xerox có ý định bàn bạc với chuyên gia của Blackstone Group về các thủ tục tuyên bố phá sản. Các trợ lý đối ngoại của Xerox phải thức trắng đêm để viết một bài báo phản bác lại “tin vịt” này.

Và thế là tháng 5/2000 hội đồng quản trị đưa ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử công ty- trao chức tổng giám đốc vào tay một người phụ nữ.

Trong vòng hai tuần đầu ở vị trí mới, Anne Malcahy đã vượt qua cả chặng đường dài hơn 150.000 cây số: bà ngồi ô tô và đi máy bay tới thăm tất cả các chi nhánh của công ty trên khắp thế giới.

Bà hiểu rằng cần thẳng thắn bàn với đồng nghiệp về tương lai, từ nguy cơ phá sản cho tới cơ hội thoát khỏi hiểm họa này. Đó là một quyết định hết sức đúng đắn của Anne, bởi đây là dịp bà chứng tỏ năng lực của mình với toàn công ty, từ những vị quản lý tới những nhân viên bình thường.

Bà cố gắng thuyết phục từng người rằng trong tình trạng khó khăn hiện nay, cách tốt nhất là tập trung vào làm việc với hiệu quả cao nhất, và cần cải tổ công ty, nếu muốn tồn tại.

Malcahy đề ra ba hướng đi chính. Một là cần củng cố các chỉ số tài chính của công ty, bằng cách bán lại những cổ phiếu không có hiệu quả và ký hợp đồng tín dụng mới để huy động vốn.

Tiếp đó, Anne Malcahy mạnh dạn giải quyết vấn đề hiệu quả hoạt động của Xerox bằng cách cắt giảm những chi phí hành chính và áp dụng “dịch vụ thuê ngoài” (outsourcing) đối với những lĩnh vực mà công ty khó có khả năng cạnh tranh.

Đây quả là một cuộc “đại phẫu”: trong vòng 5 năm số lượng nhân viên công ty bị giảm từ 79.000 người xuống còn 55.000 người. Nhiệm vụ thứ ba là huy động sức lực để phát triển những lĩnh vực kinh doanh chủ đạo và phát minh công nghệ mới.

Thay cho việc sản xuất máy photocopy và máy in để bàn, công ty chuyển sang tập trung vào những thiết bị văn phòng đa năng, gồm cả máy photocopy, máy in, máy quét và máy fax.

Các trung tâm nghiên cứu lừng danh của Xerox làm việc với hiệu quả đáng khâm phục: chỉ tính riêng trong năm 2007, có tới 584 bằng sáng chế được nhà nước cấp cho các kỹ sư của công ty. 

Vậy là với đầu óc nhạy bén và sáng suốt, tài năng đánh giá đúng tình hình, biết tập trung vào các nhiệm vụ chủ chốt và cấp bách nhất, Anne Malcahy đã đưa được con thuyền Xerox đang tròng trành trong cơn bão cập bến bờ bình an, để rồi tự tin chinh phục những chân trời mới.

Nguồn Tiền phong

228

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT