BlackBerry – cựu vương smartphone thất bại vì niềm tin sai lầm

Tin tưởng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp và phản ứng chậm trước các thay đổi của thị trường smartphone đã khiến BlackBerry trả giá đắt.

Năm 1984, hai sinh viên kỹ thuật Canada Mike Lazaridis và Douglas Fregin lập ra công ty Research in Motion (RIM). Khi đó, RIM chỉ có một văn phòng nhỏ ở thành phố Waterloo (Ontario, Canada), phía trên một hiệu bánh.

Ban đầu, công ty này chủ yếu làm các dự án ngẫu nhiên, từ hệ thống đèn LED cho hãng sản xuất ôtô GM, đến hệ thống nội bộ cho IBM, thậm chí là một công cụ chỉnh sửa phim. Một hãng điện thoại Canada có tên Rogers còn ký hợp đồng với RIM để tạo ra Mobitex – hệ thống được thiết kế riêng cho việc nhắn tin. Hợp đồng này giúp RIM trở thành chuyên gia thời kỳ đầu trong lĩnh vực tin nhắn di động.

Năm 1996, họ tạo ra máy nhắn tin 2 chiều đầu tiên. Vài năm sau đó, RIM dần chỉnh sửa thiết kế, tích hợp thêm nhiều tính năng như màn hình màu, WiFi hay trình duyệt web.

Bốn năm sau đó, họ ra mắt BlackBerry 957 - thiết bị có giao diện tương tự các smartphone sau này của RIM, nhưng chưa có chức năng nghe gọi. Đây được xem là chiếc BlackBerry đầu tiên hoàn chỉnh các tính năng hỗ trợ cho doanh nhân như danh bạ, lịch làm việc, đồng bộ với máy tính. Tại thời điểm ra mắt, chiếc 957 có giá 499 USD.

Smartphone thực sự của BlackBerry ra đời năm 2002, có tên BlackBerry 5810. Năm 2003, họ tạo ra smartphone đầu tiên có màn hình màu.

Nhờ đi tiên phong trong việc đưa email vào thiết bị di động cầm tay, với bàn phím QWERTY nổi tiếng, bi lăn trackball và độ bảo mật cao, BlackBerry nhanh chóng chiếm được cảm tình của các lãnh đạo thế giới, các giám đốc doanh nghiệp và nhiều người giàu có, nổi tiếng khác. Trên thực tế, sở hữu một chiếc BlackBerry từng được coi là biểu tượng cho địa vị xã hội.

Điện thoại này vì thế thu hút được lượng người dùng hùng hậu. Nhiều người trở thành fan cuồng của BlackBerry. Thậm chí còn có những bài báo về "chứng nghiện BlackBerry". Một số cho rằng chính BlackBerry đã tạo ra smartphone đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Được các chính phủ và doanh nghiệp ưa chuộng, doanh thu RIM tăng chóng mặt giai đoạn 1999 – 2001. Họ cũng liên tiếp bổ sung tính năng cho BlackBerry Enterprise Server (BES) – dịch vụ dành cho các doanh nghiệp và hệ điều hành BlackBerry OS.

Giai đoạn hoàng kim 2001 – 2007, RIM tích cực mở rộng ra toàn cầu và ra mắt nhiều sản phẩm mới. Khi thành công trên thị trường cho doanh nghiệp, RIM cũng lấn sân sang người tiêu dùng cá nhân. Dòng BlackBerry Pearl được đánh giá là rất thành công. Các dòng Curve và Bold sau đó cũng được đón nhận tốt.

Nhưng sự phổ biến của Android (Google) và iOS (Apple) cũng dần ảnh hưởng đến BlackBerry. Năm 2007, Apple ra mắt iPhone. Khi đó, đồng CEO RIM Lazaridis đã ngồi nhà theo dõi sự kiện này, chăm chú đến mức quên tập thể dục.

 

Trên sân khấu, cố CEO Apple Steve Jobs cầm một thiết bị nhỏ để tải nhạc, video và bản đồ từ Internet về. "Họ làm điều đó như thế nào nhỉ", Lazaridis băn khoăn. Sự tò mò của ông nhanh chóng chuyển sang kinh ngạc khi Stanley Sigman – CEO nhà mạng Cingular (thuộc AT&T) công bố hợp đồng độc quyền với Apple, để bán iPhone trong nhiều năm.

Hôm sau, Lazaridis kéo đồng CEO Jim Balsillie vào phòng làm việc, bật video về iPhone lên. "Họ đưa trình duyệt web đầy đủ tính năng vào thứ này. Các nhà mạng thì không cho chúng ta làm như thế", ông nói.

Suy nghĩ đầu tiên của Balsillie khi đó chỉ là RIM sắp mất khách hàng AT&T. Ông cho rằng Apple lúc đó có thỏa thuận với nhà mạng này tốt hơn, còn RIM thì không được phép làm thế. Lazaridis đánh giá iPhone là sản phẩm rất khác biệt với người tiêu dùng khi đó. Nhưng Jim Balsillie đã trấn an ông rằng RIM vẫn sẽ đứng vững.

WSJ cũng cho biết trên thực tế, các lãnh đạo BlackBerry ban đầu khá thờ ơ với iPhone. Họ cho rằng điện thoại này chỉ nhắm vào người tiêu dùng trẻ, với các tính năng giải trí. Bên cạnh đó, việc iPhone có pin yếu, hoạt động trên mạng 2G và khả năng làm nghẽn mạng của AT&T với các tính năng tải nhạc, video khiến RIM không mấy bận tâm.

"Nó không thể đe dọa mảng kinh doanh cốt lõi của RIM được. Không bảo mật, pin yếu, bàn phím thì tệ", Larry Conlee - phó tướng hàng đầu của Lazaridis thời đó nhận định.

BlackBerry vẫn tập trung vào các tính năng như độ bảo mật và bàn phím dễ sử dụng, để thống trị thị trường doanh nghiệp. Vì tập trung vào nhóm người dùng này, họ kiên trì với các dòng điện thoại có bàn phím đầy đủ, bất chấp phản hồi từ phần đông người dùng rằng họ thích màn hình cảm ứng hơn. BlackBerry coi sản phẩm của mình là những điện thoại để email, thay vì chiếc máy tính di động nhiều tính năng như Google và Apple nhắm tới.

Tuy nhiên, iPhone sau đó lại trở thành cú hích. Không chỉ nhắm vào người dùng cá nhân, iPhone cũng muốn thu hút lãnh đạo doanh nghiệp – thị trường chủ chốt của BlackBerry. Dẫu vậy, BlackBerry khi đó vẫn duy trì được vị thế là "thiết bị dành cho email doanh nghiệp". Mọi người thường dùng hai điện thoại, một chiếc BlackBerry cho công việc và một cái khác cho các mục đích cá nhân.

2007 cũng là năm Google thông báo cho phép các hãng smartphone sử dụng miễn phí hệ điều hành Android do hãng này phát triển. Việc đó đã dọn đường cho các công ty như Samsung Electronics hút khách hàng từ BlackBerry với các sản phẩm giá rẻ hơn.

Năm 2008, BlackBerry ra mắt Storm – điện thoại màn hình cảm ứng đầu tiên của hãng – để cạnh tranh với iPhone. Điện thoại này được bán qua nhà mạng Verizon. Doanh số nhanh chóng đạt 1 triệu chiếc chỉ trong hai tháng đầu. Nhưng sau đó, những lời phàn nàn về lỗi của thiết bị này bắt đầu xuất hiện. Cả triệu máy bị người dùng hoàn trả, khiến Verizon thiệt hại gần 500 triệu USD.

Đây là lần đầu tiên các nhà đầu tư, nhà phân tích và giới truyền thông bắt đầu lo ngại về triển vọng kinh doanh của BlackBerry.

Năm 2009, RIM vẫn đứng đầu trong danh sách 100 công ty tăng trưởng nhanh nhất thế giới của tạp chí Fortune. Số liệu của hãng nghiên cứu Gartner cho thấy năm 2009, thị phần của BlackBerry trên thị trường smartphone toàn cầu là gần 21%.

Còn tại Mỹ, tháng 9/2010, hãng cung cấp dữ liệu Comscore cho biết RIM có thị phần smartphone lớn nhất, với 37,3%. Đến năm 2011, BlackBerry bán được hơn 50 triệu smartphone trên thế giới. Cùng năm đó, họ đạt đỉnh doanh thu tại 19,9 tỷ USD.

Nhưng công ty này sau đó liên tục mất thị phần về tay các thiết bị dùng iOS của Apple và Android của Google. RIM đã đánh giá thấp tốc độ thay đổi trên thị trường smartphone. Các thiết bị mới liên tục ra mắt mỗi năm, trong khi RIM lại phản ứng chậm chạp và quá tin tưởng rằng khách hàng doanh nghiệp - thay vì cá nhân - mới là động lực cho thị trường này. Dịch vụ email không đủ để níu chân khách hàng khi các nhu cầu của họ ngày càng nhiều.

Đến tháng 11/2012, BlackBerry chỉ còn nắm 7,3% thị phần tại Mỹ. Các sản phẩm chạy hệ điều hành của Google và Apple nắm lần lượt 53,7% và 35%. Cùng năm đó, Samsung Electronics trở thành hãng sản xuất smartphone dẫn đầu thế giới.

Tháng 1/2012, BlackBerry thông báo hai CEO Jim Balsillie và Mike Lazaridis sẽ từ chức, trong bối cảnh vốn hóa, thị phần của công ty lao dốc. Người được chọn thay thế là Thorsten Heins – một lãnh đạo đã gia nhập công ty từ năm 2007. Nhưng hai năm sau đó, Heins vẫn không thể giúp công ty này đảo ngược tình hình.

Quý đầu năm 2014, họ lỗ 84 triệu USD. Sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu BlackBerry giảm tới 30%. Quý cuối năm 2016, trong hơn 432 triệu smartphone được bán ra trên toàn cầu, chỉ 208.000 chiếc là BlackBerry.

Cùng năm đó, hãng điện tử Trung Quốc TCL mua lại quyền sử dụng thương hiệu điện thoại BlackBerry, chạy hệ điều hành Android. Nhưng chỉ 4 năm sau, TCL thông báo dừng sản xuất smartphone này.

Năm 2013, RIM đổi tên thành BlackBerry. Vài năm gần đây, BlackBerry dần khai tử mảng phần cứng và đóng cửa các dịch vụ liên quan đến smartphone. Đến nay, hãng vẫn đang cố gắng bán các bằng sáng chế liên quan đến thiết bị di động. Họ hiện tập trung vào mảng an ninh mạng và Internet vạn vật (IoT).

Tháng trước, BlackBerry công bố doanh thu và lợi nhuận quý I của năm tài chính 2024 (kết thúc vào tháng 5/2023) vượt dự báo. Doanh thu đạt 373 triệu USD, gấp đôi ước tính của hãng cung cấp dữ liệu Refinitiv. Doanh thu mảng an ninh mạng là 93 triệu USD. Doanh thu từ cấp phép và các dịch vụ khác là 235 triệu USD, chủ yếu từ bán sáng chế. Lợi nhuận hoạt động là 35 triệu USD.

Nguồn VnExpress

 

 

1119

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT