Cần tiếp tục giảm 2% thuế VAT

Kinh tế khó khăn, hơn 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhưng thu ngân sách quý 1-2023 ước đạt 491.500 tỉ đồng, đã bằng 30,3% dự toán năm, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Tuy nhiên, cần tính toán thêm giải pháp giảm thuế, đặc biệt là thuế VAT.

Cần khoan thử sức dân

Thực chất, thu ngân sách quý 1-2023 vẫn tăng một phần do hoạt động quyết toán thuế của doanh nghiệp năm 2022 dồn sang, thông thường hết tháng 3 năm nay doanh nghiệp mới quyết toán xong thuế, chứ không hoàn toàn là tăng thu trong quý 1 năm nay.

Tuy nhiên, vẫn cần nhìn kỹ về bức tranh kinh tế hiện nay: hiện có khoảng nửa triệu người mất việc làm phải rút bảo hiểm xã hội một lần, có tới gần 600.000 lao động vừa mất việc, bị giãn việc, bớt giờ làm.

Từ cuối năm 2022 đến nay tổng cầu khá yếu, ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán mà cầu tiêu dùng cũng không tăng cao cho thấy tích lũy của người dân có phần hạn chế.

Bối cảnh hiện nay, xuất nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô xin giảm phí trước bạ vì cầu yếu; doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, chứng khoán từ đầu năm đến nay cũng gặp vô vàn khó khăn...

Thu ngân sách năm nay dự báo sẽ rất khó khăn, nguồn thu các quý sau sẽ sụt giảm. Vì thế, có thể thấy Bộ Tài chính đang có những giải pháp có thể tăng thu thuế trong thời gian tới, như: đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử, nước uống có đường...

Không đi vào tính hợp lý của sắc thuế cụ thể nhưng cần tránh tư duy cái gì cũng chỉ nhìn vào thuế, vì như thế không ổn. Đẻ thêm thứ để thu bù khoản thiếu hụt từ thuế xuất nhập khẩu sẽ không bền vững.

Bối cảnh hiện nay cần khoan thư sức dân, bớt thuế, phí bằng cách tìm giải pháp giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp.

 

Bởi suy cho cùng, nguồn thu ngân sách có bền vững hay không phụ thuộc vào "sức khỏe" của doanh nghiệp, người dân. Người dân có tích lũy thì họ mới tăng tiêu dùng, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu thì kinh tế mới tăng trưởng, ngành thuế mới có tăng thu.

Cần giảm thuế VAT

Để khoan thư sức dân, cần có những giải pháp giúp người dân phục hồi lòng tin, kích thích tiêu dùng nhưng không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.

Đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thì cần hỗ trợ đồng đều như giải pháp giảm 2% thuế VAT năm ngoái, tất cả các ngành hàng, dịch vụ đều được giảm.

Đây là giải pháp hỗ trợ có tác động hiệu quả nhất trong gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không hiểu sao năm nay lại không duy trì.

Thứ hai, cần gỡ vướng gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong tiếp cận vốn, thủ tục gói hỗ trợ cần thoáng hơn. Nếu chi phí tuân thủ quá lớn thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều không muốn triển khai.

Chính sách tài khóa trong bối cảnh hiện nay nên tăng chi an sinh xã hội, hỗ trợ thêm cho người nghèo, người mất việc làm. Vì đằng sau 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hàng trăm ngàn lao động mất việc làm, cần giải pháp hỗ trợ họ.

Tình hình hiện nay nhiều doanh nghiệp cho hay khó khăn không kém thời COVID-19. Nên chúng ta cần tính đến gói hỗ trợ không kém trước đây. Tất nhiên, những chính sách hỗ trợ chưa thật hiệu quả thì cần rút kinh nghiệm để không lặp lại.

Nguồn Tuổi trẻ

 

172

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT