Công ty Thụy Sĩ muốn tham gia dự án đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Tập đoàn Stadler (Thụy Sĩ) muốn tham gia cung cấp toa tàu có giá đỡ và bánh răng mới cùng các giải pháp cho dự án đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, nối Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) với Đà Lạt.

Chiều 15-4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Tập đoàn Stadler (thành lập năm 1942) muốn tham gia dự án trùng tu đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Tập đoàn Stadler đề nghị được cung cấp toa tàu có giá đỡ, bánh răng (dùng cho đường sắt vượt núi) và giải pháp triển khai thực địa. Đây là lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn này.

Tập đoàn Stadler, trong thông tin gửi đến tỉnh Lâm Đồng, cho biết họ đang dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực liên quan đến đường sắt răng cưa trên thế giới. Hiện tập đoàn được đánh giá là một trong những nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các giải pháp vận tải đường sắt trong môi trường khắc nghiệt, tàu hỏa công nghệ hydrogen.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, tháng 7-2022, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận đề xuất khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt, với chiều dài gần 84km, tổng đầu tư 24.920 tỉ đồng, đầu tư theo phương thức PPP. Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất được thực hiện dự án. 

 

Theo báo cáo tiền khả thi, Nhà nước chi 2.163 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Từ tháng 1-2025 đến tháng 6-2029 thực hiện thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng, mua sắm đoàn tàu. Từ tháng 6 đến tháng 12-2029 chạy thử và vận hành thử.

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84km được người Pháp cho xây dựng trong 25 năm (1908-1932). Sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài 6,7km khai thác tàu du lịch. 

Sau đó một số toa tàu của tuyến đường sắt được doanh nghiệp Thụy Sĩ mua lại và tu sửa dùng đưa du khách vượt dãy Alps, đi qua đèo Furka. Các toa xe vẫn giữ dòng chữ bằng tiếng Việt.

Nguồn Tuổi trẻ

 

163

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT