Mỹ từng là khách hàng lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, lạm phát khiến dân Mỹ thắt chặt chi tiêu, Việt Nam hụt thu khoảng 1,84 tỷ USD từ thị trường này.
Mỹ được nhận định là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực ngành nông nghiệp sang thị trường này tăng mạnh.
Năm 2020-2022, Mỹ vươn lên trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam. Thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt là 26,7%, 27,5% và 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp giai đoạn này.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của nước ta. Song, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, vượt qua Mỹ thành khách hàng lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt xuất khẩu. Với 18,9%, Mỹ rơi xuống vị trí thứ hai, tiếp sau là Nhật Bản chiếm 8,1% tổng giá trị nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ giảm mạnh tới 40,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, thế mạnh này của Việt Nam "hụt thu" khoảng 1,84 tỷ USD.
Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Mỹ đều ghi nhận tăng trưởng âm. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản giảm 51,6%, rau quả giảm 16,4%, hạt điều giảm 13,5%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 39,5%, chè giảm 42,8%, cao su giảm 64,7%, hạt tiêu giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết tháng 4/2023, chỉ có mặt hàng gạo, cà phê xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương lần lượt là 3,9% và 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng này còn khá khiêm tốn trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ.
Theo Bộ NN-PTNT, lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có thị trường Mỹ, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu tiêu dùng. Do đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường này giảm mạnh.
Chia sẻ với PV. VietNamNet trước đó, ông Thang Văn Thông - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng, cho biết, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đi các nước để tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu quá khó, đơn hàng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nhìn nhận, lạm phát buộc người tiêu dùng Mỹ phải thắt chặt "hầu bao", nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu gần như cắt giảm tối đa, vì vậy thị trường tiêu thụ đồ gỗ rất chậm.
Thông thường, cuối quý I hàng năm, doanh nghiệp nhận đơn hàng để sản xuất cho 6 tháng tiếp theo và nhận các thông tin dự kiến đơn hàng cho đến cuối năm để chủ động trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu gỗ. Nhưng đến thời điểm này, đơn hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn rất èo uột, giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm.
Các gia đình Mỹ quá “ngao ngán” với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao. Người dân Mỹ cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, không thiết yếu. Họ mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Người tiêu dùng đang tìm cách chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần.
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của VASEP, cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm sâu khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như các chương trình giao thương trong nước, hy vọng sẽ tăng thêm kết nối và thu hút được bạn hàng nhiều hơn; từ đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục, bà cho hay.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng phải tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới như Trung Đông, Đông Nam Á,... để bù đắp vào phần sụt giảm ở thị trường Mỹ.
Nguồn Vietnamnet
Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT