Vào Việt Nam gần 1,5 năm, ứng dụng cho thuê ôtô tự lái ZoomCar đến từ Ấn Độ thông báo dừng hoạt động từ 24/5.
Thông tin được ZoomCar gửi đến các đối tác chủ xe, chiều 23/5. Nguyên nhân được đưa ra là "điều kiện thị trường kinh doanh nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có nhiều khó khăn và dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới".
Ông Kiệt Phạm, CEO ZoomCar Việt Nam xác nhận việc này với VnExpress nhưng không bình luận gì thêm. Trong thông báo phát đi, nền tảng này nêu cam kết sẽ hoàn thành các nghĩa vụ với tất cả khách hàng, đối tác chủ xe và đối tác nhà cung cấp trong thời gian tới.
Cụ thể, với khách hàng, ứng dụng và website sẽ ngừng nhận chuyến xe từ 0 giờ ngày 24/5. Các chuyến xe đã được xác nhận trước thời gian này và có thời gian kết thúc chuyến trước 23h59 ngày 28/5 sẽ được phục vụ bình thường. Các chuyến xe có thời gian kết thúc sau 0 giờ ngày 29/5/ sẽ bị hủy.
Đối với các chủ xe, Zoomcar cho hay sẽ thực hiện các nghĩa vụ thanh toán cho các chuyến xe như bình thường đến hết ngày 30/6. Đội ngũ kỹ thuật Zoomcar Việt Nam sẽ liên lạc riêng với đối tác chủ xe để sắp xếp lịch thu hồi thiết bị của hãng đã lắp đặt trên xe. Riêng với các nhà cung cấp của ZoomCar, công ty nói sẽ liên hệ từng bên để thống nhất kế hoạch cụ thể.
Ra đời năm 2013 với trụ sở chính ở Bangalore (Ấn Độ), ZoomCar triển khai dịch vụ ở 31 thành phố ở Ấn Độ, Indonesia, Ai Cập và Việt Nam. Nền tảng chính thức cung cấp dịch vụ ở TP HCM vào đầu 2022, chuyên cho thuê ôtô để người dùng tự lái. Ôtô trên nền tảng cung cấp bởi các đối tác chủ xe, theo hợp đồng ăn chia hoa hồng trên từng chuyến đặt xe.
ZoomCar từng có kế hoạch sẵn sàng đầu tư 25 triệu USD vào thị trường Việt Nam, với 8 triệu USD cho năm tài chính đầu. Nền tảng này thâm nhập bằng cách "đốt tiền" làm khuyến mại, giảm giá lớn cho khách hàng và thưởng đậm cho chủ xe. Do đó, giai đoạn đầu sau 4 tháng thâm nhập, họ có được khoảng 1.000 xe trên sàn.
Ngoài giảm giá, giai đoạn đầu chào sân, ZoomCar giao xe tận nơi miễn phí cho khách hàng, không cần tiền cọc, không giữ bản cứng giấy tờ tùy thân. Với chủ xe, để "chiêu mộ" gia nhập nền tảng, họ tung thưởng tiền hàng tuần, hàng tháng nếu có đủ số chuyến đặt xe và giờ đưa xe lên ứng dụng để cho khách thuê (còn gọi là "treo xe") tối thiểu. Công ty còn trực tiếp mua bảo hiểm thân vỏ xe cho chủ xe.
Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi giảm dần sau giai đoạn đầu. ZoomCar bỏ dịch vụ giao xe tận nơi sau khi thu phí và chỉ khôi phục lại chưa đầy 2 tuần trước thời điểm dừng hoạt động tại Việt Nam. Tổng đài của dịch vụ thay vì hoạt động 24/7 chỉ vận hành đến 20h hàng ngày. Người thuê xe ít nhận khuyến mại hơn còn chủ xe phải tự nguyện mua bảo hiểm thân vỏ và được công ty thanh toán lại từng tháng nếu đủ thời gian "treo xe" theo quy định.
Anh Kỳ (quận 8, TP HCM), đối tác chủ xe của ZoomCar từ tháng 3/2022 bất ngờ trước thông tin nhưng nhìn nhận cơ hội kiếm tiền từ ứng dụng này đã giảm hẳn từ nửa năm nay. "Chính sách lấy chiết khấu 40% là cao trong khi để nhận thêm thưởng lại đòi hỏi doanh thu tháng lớn, thường phải 'treo xe' liên tục và đắt khách lắm mới có khả năng đạt được", Kỳ nói.
Cũng theo đánh giá chủ xe này, giai đoạn anh đắt khách cũng tập trung vào nửa đầu năm ngoái, khi kinh tế còn tươi sáng. "Nửa đầu 2022, khách thuê xe cuối tuần đi chơi, còn trong tuần các nhân viên bất động sản thuê chở khách coi đất quanh TP HCM, nhân viên bảo hiểm thuê để đi lấy uy tín chốt hợp đồng. Trong khi đầu năm đến nay, kinh tế ảm đạm, kiếm cuốc xe khó hơn hẳn", anh Kỳ nói thêm.
Trong chia sẻ với VnExpress tháng 4/2022, CEO ZoomCar Việt Nam Kiệt Phạm từng lý giải mức chiết khấu 40% là hợp lý vì cần nguồn lực để phát triển thị trường, chịu trách nhiệm rủi ro và vận hành hệ thống. Còn theo quan sát của anh Kỳ, một số chủ xe chọn cách chấp nhận hợp tác giai đoạn đầu để lấy mối khách hàng và sau đó rời ZoomCar, cho thuê trực tiếp.
Nguồn VnExpress
Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT