Tháng 8/2017, trong bối cảnh Coca-Cola (Coke) phải vật lộn để giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường nước giải khát toàn cầu, CEO mới đã lên kế hoạch tái cấu trúc, sa thải 1.200 nhân viên. Và Shannon You - một nhà hóa học ngoài 50 tuổi làm việc tại trụ sở Atlanta (bang Georgia, Mỹ) - đã được thông báo trước vài tuần rằng bà nằm trong 1.200 nhân sự này.
Bất cứ khi nào một nhân viên bị sa thải thì có khả năng người đó sẽ mang theo một vài thứ của công ty cũ. Coke - doanh nghiệp nắm giữ bí mật thương mại nổi tiếng bậc nhất thế giới - đặc biệt quan tâm đến rủi ro trên.
Mùa hè năm 2017, khi ngày càng có nhiều nhân viên biết mình bị cho thôi việc, hệ thống ngăn ngừa mất dữ liệu của Coke bắt đầu xuất hiện các cảnh báo.
Phần lớn những người này thu hồi lại các tệp cá nhân đã lưu trong máy tính làm việc, bao gồm tờ khai thuế hay thông tin khoản vay ngân hàng. Nhưng không phải tất cả đều làm như vậy.
Shannon You có quyền truy cập vào một số thông tin được bảo mật chặt chẽ nhất tại Coke: bộ công thức hóa học chi tiết cho lớp lót bên trong lon nước giải khát của công ty. Có thể nói, đây là "công thức bí mật" tạo nên thành công của Coke. Ước tính, bí mật thương mại mà You đánh cắp được phát triển với chi phí gần 120 triệu USD (tương đương 2.800 tỷ đồng). Vì thế, nó được bảo vệ nghiêm ngặt.
Được phát triển với chi phí lớn, công thức này thậm chí còn quan trọng hơn cả công thức tạo nên hương vị của nước giải khát Coke - thứ nước ngọt tính axit có khả năng ăn mòn lớp kim loại của lon nếu không có lớp lót.
Trên thực tế, công thức này không thực sự thuộc về Coke mà thuộc về các công ty sơn và chất phủ đa quốc gia là đối tác của họ. Chỉ có 2 nhân sự của Coke có quyền truy cập vào nhiều thông tin về công thức này và You là một trong hai người đó.
Một báo cáo nội bộ của công ty về hoạt động của You cho thấy nhân viên cũ này đã cố gắng sao chép tệp liên quan đến công thức lớp lót vào một ổ cứng cá nhân. Tuy nhiên, vì có trong danh sách bị sa thải nên hành động của You bị gắn cờ cảnh báo trong mạng nội bộ, dẫn tới việc sao chép không thành công.
Bất chấp đã bị cảnh báo tự động trên màn hình máy tính, You vẫn tiếp tục hành vi của mình. Bà cắm một ổ cứng khác vào máy tính nhưng tất nhiên không thành công như lần trước. Không bỏ cuộc, You nhiều lần tìm các cách khác nhau để sao chép dữ liệu nhưng đều thất bại.
Mãi đến cuối tháng đó, You mới tìm ra giải pháp. Ngày 25/8, bà dùng điện thoại cá nhân để chụp ảnh màn hình tài liệu. Tối muộn hôm sau, bà tải một số tệp được mã hóa từ máy tính của mình lên tài khoản Google Drive cá nhân và hệ thống bảo mật thông tin của Coke không ngăn chặn điều này. Hôm sau nữa, bà tiếp tục tải lên các tệp khác. Vì 31/8 là ngày làm việc cuối cùng, You thao tác rất khẩn trương.
Không chỉ ăn cắp dữ liệu, trước đó, ngày 17/8, You đã bay đến thành phố Uy Hải (Trung Quốc) để gặp những doanh nhân đang giúp bà thành lập công ty sơn phủ của riêng mình.
Để tài trợ cho dự án kinh doanh, You đã nộp đơn xin hàng triệu USD từ chính phủ Trung Quốc. Trong thời gian ở Uy Hải, bà còn tham gia buổi phỏng vấn cho một chương trình cấp tỉnh tên là Yishi-Yiyi.
Sau bài thuyết trình của You tại Uy Hải vào tháng 8/2017, phản hồi ban đầu rất hứa hẹn. Các đồng sáng lập còn nói rằng họ có thể bắt đầu chuẩn bị cho công ty mới vào cuối mùa thu năm đó.
Tuy nhiên, các thành viên khác trong gia đình You bắt đầu lo lắng về việc kinh doanh của bà. Một người chị của You ở California đã gửi liên kết bài báo về việc FBI nhắm mục tiêu vào những người gọi vốn tại một chương trình của Trung Quốc mà You từng tham gia để cảnh báo.
Một người họ hàng khác ở Trung Quốc cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự, cho rằng các đối tác kinh doanh của You mờ ám và không đáng tin cậy. You đã trấn an họ nhưng sâu bên trong, bà cũng không tin tưởng đối tác của mình. Mối quan tâm lớn nhất của bà không phải là bị bắt mà là bị lừa gạt.
Một tháng sau, You bay đến Bắc Kinh để tiếp tục xin tài trợ. Trong đơn xin, You nói rằng số tiền đó sẽ giúp công ty do bà đồng sáng lập "xây dựng dây chuyền sản xuất lớp phủ không chứa BPA (chất nguy hại cho sức khỏe) đầu tiên ở Trung Quốc" và "phá vỡ thế độc quyền trong ngành công nghiệp sơn hộp đựng thực phẩm toàn cầu".
Vì mức độ gây hại của BPA và việc nhiều quốc gia cấm sản phẩm chứa chất này, các công ty sơn phủ đã mất nhiều thời gian và công sức để tìm ra biện pháp khắc phục.
Các tập tin từ máy tính tại văn phòng của Coke mà You lấy cắp được là trung tâm của kế hoạch và bà rõ ràng đã nhận thức được mối nguy hiểm pháp lý mình phải đối mặt.
"Nếu có bất trắc xảy ra, tôi mới là người gánh chịu mọi rủi ro. Số tiền tôi kiếm được thậm chí còn không đủ trả phí luật sư", You phàn nàn bằng tiếng Trung với một đồng nghiệp trên ứng dụng nhắn tin WeChat.
You từ Trung Quốc đến Mỹ theo học bổng học thuật năm 1990. Bà lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Bang Kent và sau đó là bằng tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật polymer của Đại học Lehigh.
You trở thành công dân Mỹ năm 1999, định cư cùng con gái và chồng - một kỹ sư cơ khí. Người quản lý của You tại công ty cũ gọi bà "một trong những nhà khoa học giỏi nhất mà ông từng làm việc cùng".
Tháng 12/2012, You đầu quân cho Coke với tư cách là kỹ sư chính của bộ phận nghiên cứu toàn cầu, chịu trách nhiệm giúp quyết định công thức lớp lót không chứa BPA nào sẽ được đưa ra trước nhóm thẩm định của công ty. Công việc này biến bà trở thành người liên lạc chính giữa Coke và các công ty sơn phủ đối tác.
Tuy nhiên, từ khi nhận việc, You đã khiến mối quan hệ giữa 2 bên trở nên căng thẳng hơn. Một giám đốc công ty sơn phủ cho biết: "Bà ấy luôn muốn có thêm thông tin, không chỉ ở cấp độ thành phần mà cả số lượng cụ thể của từng thành phần đó. Trước đây, các công ty chưa bao giờ phải tiết lộ thông tin như vậy. Khi được yêu cầu, chúng tôi rất miễn cưỡng cung cấp".
Theo người này, You đã không ngại sử dụng áp lực từ việc là đại diện của một trong những công ty giải khát lớn nhất thế giới. "You rất hiếu chiến và luôn thể hiện là biết nhiều hơn người khác vì kinh nghiệm làm việc lâu năm. Bà ấy từng mô tả mình rất nổi tiếng trong ngành. Bà ấy thường xuyên nói rằng chúng tôi đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh và khẳng định có thể giúp chúng tôi thu hẹp khoảng cách", một người khác cho hay.
Chỉ trong 2 năm, You đã tích lũy được cơ sở dữ liệu công thức lớp lót có giá trị hàng chục triệu USD cho mình. Máy tính của bà tại trụ sở chính của Coke là nơi duy nhất trên thế giới mà tất cả bí mật thương mại đó cùng tồn tại.
Sau Coke, You đã tìm được công việc mới tại Eastman Chemical với mức lương 157.000 USD/năm, cao hơn một chút so với lương ở Coke, cộng khoản thưởng 15.000 USD khi ký hợp đồng.
Theo công tố viên, You đã làm giả một số giấy phép để gây ấn tượng trong đơn xin tài trợ. Các công nghệ trong đó thậm chí còn không phải của Coke để được cấp phép.
Tháng 9/2018, You bay trở lại Mỹ và bị các nhân viên của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ đón tại sân bay Atlanta theo lệnh của FBI. Một số đặc vụ của cơ quan này nhận lệnh khám xét ổ cứng đã được khôi phục của You và cả tài khoản Google Drive của người phụ nữ này.
Căn nhà mà You đã sống trong vài tháng ở Michigan cũng bị khám xét. Nơi đây hầu như không được trang bị nội thất, chỉ có một tấm nệm trên sàn, tủ TV và một chiếc hộp chứa ổ cứng. Các đặc vụ còn tìm thấy một chiếc cặp bị khóa, bên trong chứa số tiền trị giá 4.000 USD. Tất cả giấy tờ cá nhân quan trọng của You cũng ở đó, bao gồm hộ chiếu, thẻ an sinh xã hội, bằng cấp và giấy chứng nhận kết hôn. "Bà ấy có ý định bỏ trốn", một luật sư nói tại phiên tòa xét xử You.
Năm 2020, You hầu tòa vì tội lừa đảo, âm mưu đánh cắp và sở hữu bí mật thương mại cũng như hoạt động gián điệp kinh tế. Các công tố viên liên bang lập luận rằng nạn nhân của You bao gồm 7 công ty.
Ngày 22/4/2021, bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết có tội đối với tất cả các tội danh của You. Đến tháng 5 năm ngoái, You bị kết án 14 năm tù tại Mỹ, khép lại vụ trộm trăm triệu USD gây rúng động ngành công nghiệp giải khát.
Nguồn Dân trí
Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT