Khác biệt thế hệ - thách thức lớn với doanh nghiệp gia đình

Nhiều chủ doanh nghiệp gia đình cho biết đang đối mặt thách thức lớn trong việc hoạch định người kế nhiệm do sự khác biệt về tính cách và tư duy giữa các thế hệ.

Quan điểm này được các chủ doanh nghiệp nêu tại hội thảo về tạo dựng niềm tin giữ sản nghiệp gia đình ngày 13/6. Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp nên áp dụng tư duy công ty cổ phần, minh bạch và có cấu trúc quản trị gia đình để tạo dựng niềm tin.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn trong việc hoạch định người kế nhiệm do sự khác biệt về tính cách và tư duy giữa các thế hệ. "Nếu không có một kế hoạch chuyển giao phù hợp, khi những sự kiện khẩn cấp xảy ra, có thể dẫn đến sự suy yếu của doanh nghiệp", ông Đoàn nói.

Khảo sát của hãng tư vấn và kiểm toán PwC Việt Nam thực hiện với 36 chủ doanh nghiệp gia đình trong nước, từ 20/10/2022 đến 22/1/2023 cũng cho thấy 64% chủ doanh nghiệp gia đình Việt nói xung đột thường xảy ra nhưng lại chưa chú trọng xây dựng niềm tin giữa các thế hệ đương nhiệm và kế cận.

Chỉ có 28% người được hỏi coi đây là yếu tố quan trọng. Khi được hỏi về mức độ tin tưởng giữa các thành viên trong gia đình, 42% cho biết giữa thế hệ kế nghiệp và đương nhiệm thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Nhìn nhận thực trạng này, ông Trần Văn Thắng, Giám đốc dịch vụ Kiểm toán PwC Việt Nam nói rằng doanh nghiệp gia đình đặc biệt ở chỗ các thành viên không chỉ làm việc cùng nhau mà còn chia sẻ lịch sử, giá trị và tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tất cả điều này thường được xem là lẽ đương nhiên.

 

Và khi các thành viên trong gia đình không tin tưởng lẫn nhau sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, thiếu gắn kết và có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Điều này có thể giải thích kết quả 64% số người được hỏi nói rằng xung đột gia đình trong doanh nghiệp thường xảy ra, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (30%) và châu Á - Thái Bình Dương (29%).

Thách thức này cũng được bà Vưu Lệ Quyên, Giám đốc Công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng Bình Tiên (Biti's) đối mặt khi lên làm giám đốc công ty từ năm 2018. "Tôi thừa nhận mình không phải là đứa con ngoan trong gia đình. Tôi thường xuyên thử thách bố mẹ và đặt ra câu hỏi, tại sao mình phải làm điều này", bà Quyên nói.

Khi tiếp quản doanh nghiệp, với tư cách là thế hệ lãnh đạo kế cận, bà Quyên cho biết đã thay đổi những niềm tin quản trị bị hiểu lầm là "phải sợ mới làm việc" thành "hạnh phúc mới làm được việc".

Và để doanh nghiệp gia đình vận hành được trơn tru, theo bà, công ty tạo ra không gian để mỗi thành viên được nói và được lắng nghe. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận việc củng cố niềm tin giữa các thành viên gia đình chưa thực sự được chú tâm đến.

Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cũng nhận xét: "Lập nghiệp khó nhưng giữ được phần nghiệp của mình càng khó hơn".

Một doanh nghiệp gia đình theo ông chưa thể coi là thành công nếu chưa tìm được người kế thừa phù hợp. May mắn với ABC Bakery theo lời ông Lực, là con cái của ông vừa có năng lực vừa có nguyện vọng tiếp quản sự nghiệp. "Dụ được con từ nước ngoài về để tiếp quản sự nghiệp là một nghệ thuật", ông Lực nói.

Mà theo đó, ông phải cho con cái thấy được con đường sáng sủa và xứng đáng ở Việt Nam, mới thuyết phục được con trở về so với điều kiện sinh sống rất sung túc ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp đúc kết, để việc chuyển giao thế hệ kế cận được thuận lợi đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực, chia sẻ giá trị của các nhà lãnh đạo thế hệ đương nhiệm và đối xử bình đẳng với những người kế nhiệm.

Nguồn VnExpress

 

288

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT