Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn khó vay

Tình trạng nhà băng thừa vốn nhưng doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận đang diễn ra. Chuyên gia cho rằng cần gia hạn nợ gốc, giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

"Trong giai đoạn này, việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng gần như là không thể", một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM nói.

Theo chủ doanh nghiệp này, hiện doanh nghiệp rất muốn vay thêm để bù khoản công nợ tăng nhưng không được do các tổ chức tín dụng đều thắt chặt việc cho vay dù cơ quan này luôn nói rằng vẫn tập trung nguồn vốn cho sản xuất.

"Phía các nhà cung cấp cũng không thể vay thêm khiến doanh nghiệp đang phải gánh hai đầu công nợ. Các doanh nghiệp đang rất đuối về vấn đề tiền mặt, tình hình rất nặng nề chứ không đơn giản như năm ngoái", lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận.

Thực tế, hiện nay nhiều người dân, doanh nghiệp cho biết họ gần như không thể tiếp cận vốn ngân hàng trong khi nhiều chỉ số cho thấy hệ thống ngân hàng đang trở về giai đoạn thừa tiền, thanh khoản dồi dào, lãi suất qua đêm giảm sâu.

Lãi suất vẫn cao

Nhiều chỉ số cho thấy, ngân hàng đang trở về giai đoạn thừa tiền. Sau 2 đợt giảm lãi suất từ nhà điều hành, lãi suất cho vay chéo giữa các nhà băng đã giảm liên tục từ mức trên 6%/năm vào trung tuần tháng 3 xuống trên dưới 1%/năm hiện tại ở kỳ hạn qua đêm - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2022 đến nay.

Việc liên tục giảm sâu và về vùng 1%/năm cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa lớn, tương tự giai đoạn năm 2020 đến giữa năm 2022. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục ế vốn trên thị trường mở cũng cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống nhà băng.

Thường xuyên vay ngắn hạn ngân hàng để xoay vòng vốn kinh doanh, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Dony - cho biết hiện doanh nghiệp đi vay với lãi suất khoảng 11-12%/năm, mức này đã giảm 2% so với trước. "Tuy nhiên, mức giảm này vẫn rất cao, đặc biệt với các doanh nghiệp vay ngắn hạn", ông thừa nhận.

Theo chủ doanh nghiệp này, hiện nay tình hình đơn hàng với các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chủ động mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời tổ chức sản xuất thêm các đơn hàng giá rẻ nên doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết quý III.

"Chúng tôi đang tập trung vào nhóm khách hàng yêu cầu số lượng hàng lớn, giá cạnh tranh. Trong đó, Mỹ và Trung Đông là 2 thị trường có số lượng đơn hàng lớn và khá đều, mặc dù lợi nhuận thấp hơn hoặc gần như bằng không", ông nói và cho rằng thời điểm này công ty chủ yếu tìm kiếm thêm đơn hàng để người lao động có việc làm chứ không hy vọng có lãi.

Thực tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cũng thừa nhận các doanh nghiệp dù thiếu vốn nhưng không dám vay vì lãi suất quá cao. Nhu cầu và đơn hàng giảm nên thay vì vay để sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp chỉ có nhu cầu vay để cầm cự.

"Doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10% thì họ không dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay", ông nêu thực trạng.

Theo Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong quý I, các biến động của thị trường trong nước và thế giới đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới nhu cầu vốn tín dụng của một số doanh nghiệp, lĩnh vực chững lại.

Bên cạnh đó, tín dụng tăng thấp quý vừa qua cũng do đây là giai đoạn đầu năm, nên một số dự án, hoạt động đầu tư bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. “Thông thường tăng trưởng tín dụng đầu năm đều thấp hơn so với các quý khác, nhưng mức tăng trưởng không đạt kỳ vọng trong quý I cũng là yếu tố để đánh giá những khó khăn của các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế hiện nay”, ông Tú cho biết.

Giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Cũng phản ánh tình trạng các công ty, trang trại, hay hộ nông dân gần như không thể tiếp cận vốn ngân hàng trong khi đây là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất cho các hộ chăn nuôi đang vay nợ.

"Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn các gói tín dụng các gói vay đặc thù cho đầu tư trang trại đến các vùng chăn nuôi trọng điểm để tránh việc đứt nguồn vốn, nguy cơ phá sản", ông đề xuất.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng có 3 nguyên nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đó là nhu cầu sụt giảm mạnh cả trong nước lẫn ngoài nước; chi phí đầu vào doanh nghiệp tăng cao, bào mòn biên lợi nhuận; rủi ro vay nợ xấu, các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế bị tắc nghẽn dẫn đến tình trạng khó khăn dây chuyền.

Theo vị chuyên gia này, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần có giải pháp về tiền tệ, tài khóa và chính sách thể chế. Ông cho rằng nên cân nhắc hoãn, giãn các khoản thuế, phí doanh nghiệp phải nộp cho hết năm, cân đối lại gói phục hồi và kéo dài gói hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước và vẫn kiềm chế lạm phát hiệu quả.

"Ngoài ra, nên xem xét giảm bớt các khoản thuế, phí cho doanh nghiệp, không nên vì mục tiêu thu ngân sách trong ngắn hạn mà tìm cách tăng thu thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số ngành đang có cơ hội phát triển", ông Việt nói.

Mới đây, trong nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

"Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp", Chính phủ yêu cầu.

Nguồn Zing

 

 

189

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT