Một trong những doanh nhân Việt Nam nổi tiếng ở những thập niên 40 của thế kỷ XX không thể không kể đến là ông Trương Văn Bền. Bằng tài trí kinh doanh cùng việc đẩy mạnh vào quảng cáo, ông đã đưa xà bông Cô Ba trở thành thương hiệu Việt có tiếng nhất lúc bấy giờ.
Ông Trương Văn Bền (1883-1956) sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình khá giả và có học thức.
Ông thường xuyên được sang Pháp nhưng chưa học qua một trường lớp chuyên nghiệp nào nên cũng không có bằng cấp. Mặc dù vậy, năm 1898, khi chính quyền Pháp tổ chức kỳ thi cao đẳng tiểu học, ông ghi tên và thi đậu, được bổ nhiệm chức vụ Ký lục thượng thư.
Năm 1901, ông không làm quan cho chính quyền Pháp nữa và quay về theo nghề buôn bán của cha ông. Năm 1905, ông mở xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức rồi đến nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn và Rạch Các.
Ông tiếp tục lập một đồn điền cao su cỡ nhỏ ở Thủ Đức. Sau đó vài năm, ông mở rộng kinh doanh, lập công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười.
Tuy kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng nhà máy ép dầu của Trương Văn Bền ở Thủ Đức lại là cơ sở kinh doanh thành công nhất với thương hiệu xà bông Cô Ba.
Người dân Sài Gòn thời đó chỉ ưa dùng các loại xà bông nhập khẩu từ Pháp. Thấy vậy, ông Bền tìm hiểu bí quyết sản xuất từ 2 nhà máy sản xuất xà bông của Pháp tại Việt Nam. Đồng thời, ông gửi 1 kỹ sư giỏi sang Paris để tìm hiểu kỹ thuật làm xà bông.
Ông bắt tay vào sản xuất xà bông từ cây dừa Bến Tre, trước tiên hướng tới người bình dân và sau đó là giới thượng lưu.
Ông Hồ Vĩnh Sang, chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre, cho biết dân Bến Tre đã làm dầu dừa bán cho Hoa kiều từ những năm đầu thế kỉ XX, bán cả cho ông Trương Văn Bền.
Xà bông Cô Ba – xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam ra đời. Với chất lượng tốt và giá cả phải chăng, xà bông Cô Ba đánh bại xà bông Pháp nhập khẩu từ cảng Marseille, trở thành một “thương hiệu Việt” có tiếng nhất thời bấy giờ.
Từ thành công của xà bông Cô Ba, ông Trương Văn Bền đã gây dựng được một khối tài sản lớn trong cuộc đời kinh doanh của mình. Gia sản đồ sộ của ông đến từ sức lao động, sức sáng tạo, đầu óc kinh doanh của ông chứ không phải thừa hưởng từ gia đình.
Được biết, theo bảng lượng giá để đánh thuế của Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội thì năm 1941, ông Trương Văn Bền phải đóng cho chính phủ một số tiền lên tới 107.000 đồng Đông Dương, quy ra vàng với giá vàng khi đó là 60 đồng/lượng thì ông Bền phải đóng cho chính phủ 1.783 lượng vàng.
Trong ký sự “Một tháng ở Nam Kỳ” viết năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh có nhắc đến ông Trương Văn Bền: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy gạo của ông Chợ Lớn”.
Chia sẻ trong hồi ký của mình, ông Trương Văn Bền có viết:
“Tôi phải làm quảng cáo dữ lắm cho thương hiệu xà bông Cô Ba. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà-bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán, chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem cho chúng một mối lợi hàng ngày thì chúng mới chịu mua.
"Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Cô Ba bán không ? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: 'Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều'. Hết người này tới người khác rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán.
"Tôi còn tổ chức những tốp quảng bá thương hiệu. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà bông của hãng mình, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu thương hiệu xà bông của hãng. Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà bông Việt Nam bán chạy lắm”
Bằng cách đánh vào lòng yêu nước, các quảng cáo về xà bông Cô Ba thường ghi dòng chữ “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam”, xuất hiện dày đặc trên áp phích, xe điện, xe hơi, trên áo của cầu thủ đá bóng.
Ông Trương Văn Bền đã lựa chọn hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp đậm chất Nam bộ để làm biểu tượng của xà bông Cô Ba. Được biết, người phụ ấy chính là vợ của ông.
Ông không chỉ đưa sản phẩm xà bông đến các triển lãm thương mại mà còn đưa nhãn hiệu xà bông vào những loại hình nghệ thuật được người Việt yêu thích như vọng cổ, thơ lục bát... gây ấn tượng đến các tầng lớp trong xã hội từ giới bình dân đến tri thức.
Không chỉ thành công trong nước, xà bông Cô Ba còn được xuất ra Hương Cảng (Hong Kong), châu Phi.
Xưởng dầu của ông ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và hãng xà bông Trương Văn Bền sản xuất khoảng 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong năm 1943.
Nguồn Vietnam Finance
Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT