Triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2023 quy tụ 1.700 gian hàng trưng bày thiết bị dệt may hàng đầu thế giới, cùng nguyên phụ liệu của 1.300 công ty đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ ngày 5 đến 8-4, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị - nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex & SaigonFabric 2023), do Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM.
Đây là triển lãm quốc tế lớn nhất của ngành được tổ chức tính từ năm 1991 đến nay, với diện tích trưng bày 30.000m2, gấp 3 lần năm ngoái. Số lượng công ty tham gia triển lãm gấp hơn 3 lần năm 2022.
Nhà triển lãm đến từ ít nhất 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Ấn Độ, Bỉ, Cộng hòa Czech, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Hong Kong, Mỹ, Nhật...
Hầu hết các máy móc, phụ tùng và phụ kiện nổi tiếng quốc tế sẽ được trưng bày, gồm các máy thiết bị dệt may, nhuộm, đo quang phổ, máy may thêu tự động, chuyền treo, công nghệ chuyển đổi số, hệ thống CAD - CAM, lập trình, cắt trải vải, in kỹ thuật số...
Sự kiện được kỳ vọng sẽ kết nối thương mại, mang đến một thị trường giao thương sôi động của ngành công nghiệp dệt may, cơ hội hợp tác kinh doanh cả trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2022, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Sản phẩm xuất khẩu sang khoảng 66 nước với 55 mặt hàng chủ lực.
Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn thách thức như dịch bệnh, cuộc chiến Nga - Ukraine… dẫn đến sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Ông Cao Hữu Hiếu, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết năm 2023 là năm thách thức khi những dự báo cho thấy nhu cầu dệt may thế giới sẽ giảm 6-10%, từ 757 tỉ USD còn 712 tỉ USD, và thậm chí còn 687 tỉ USD.
Những tháng đầu năm, các đơn hàng ngành may giảm 2-3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá gia công giảm rất sâu dẫn đến nhiều doanh nghiệp chỉ có đơn hàng đến hết tháng 3, tháng 4, so với thông thường là hết tháng 6 hoặc hết năm.
Trước thực tế này, doanh nghiệp phải tính đến giải pháp đảm bảo việc làm cho người lao động, doanh thu và lợi nhuận, như tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí; tinh gọn sản xuất, áp dụng các công nghệ hiện đại hơn...
Do đó, ông Hiếu cho rằng, Triển lãm Sài Gòn Tech 2023, với sự tham gia đông đảo của các nhà cung cấp thiết bị máy móc, sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam được tham quan trao đổi để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư mua sắm thiết bị mới nhất, hiện đại nhất, tối ưu cho sản xuất.
Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT