Vì sao thiết lập hợp đồng giả cách có thể dẫn đến vi phạm hình sự?

Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hợp đồng giả cách tồn tại khá phổ biến trong đời sống xã hội, đây là là hợp đồng được thiết lập trên cơ sở một quan hệ dân sự khác trước đó.

Nội dung hợp đồng này không phải là ý chí thực của hai bên mà chỉ là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác nên không có hiệu lực pháp luật.

Chính vì vậy, hợp đồng không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ loại hợp đồng này nên đương nhiên là bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, các bên đều hiểu hợp đồng giả tạo là vô hiệu, không có hiệu lực để thực hiện, các bên không có ý chí để thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, nếu một bên lợi dụng hợp đồng giả tạo để chiếm đoạt, đơn phương công nhận hiệu lực của hợp đồng, đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sử dụng hợp đồng giả tạo như một phương thức thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật.

Trong thực tế, hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân với nhau hoặc giữa các cá nhân với tổ chức hoặc giữa các tổ chức với nhau mà các tổ chức đó không phải là tổ chức tín dụng, thường sẽ không thực hiện được biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự là thế chấp tài sản.

Vì thế, rất nhiều trường hợp bên cho vay tài sản đã yêu cầu bên đi vay phải sang tên bất động sản hoặc sang tên cổ phần doanh nghiệp cho bên cho vay nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Vị chuyên gia cho biết, bản chất đây là hình thức thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ nhưng do nhiều yếu tố việc thế chấp không được thực hiện theo đúng thủ tục nên các bên sử dụng hợp đồng giả cách để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay.

Nếu đến thời hạn trả nợ mà bên đi vay trả nợ đầy đủ, bên cho vay sẽ sang tên lại cổ phần, sang tên lại bất động sản cho bên đi vay như là một hình thức tất toán, xóa thế chấp mà các bên không phải thanh toán cho nhau giá trị khi chuyển nhượng trở lại.

Với các giao dịch dân sự song song, đồng thời như trên, bên đi vay luôn ở thế yếu bởi tài sản sang tên thường có giá trị lớn hơn rất nhiều lần so với khoản vay.

Thế nên, về mặt hình thức, việc sang tên đó là một hình thức chuyển quyền sở hữu tài sản. Nếu có tranh chấp xảy ra mà bên đi vay không chứng minh được đây là hợp đồng giả cách thì có thể bị mất tài sản bởi đã được sang tên.

"Tuy nhiên nếu có căn cứ cho thấy đây là hợp đồng giả cách, bên cho vay lợi dụng hợp đồng giả cách để chiếm đoạt tài sản của bên đi vay, đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hành vi gian dối thể hiện qua việc hợp thức hóa hợp đồng giả cách để không trả lại tài sản" – ông Cường thông tin.

Nguồn Dân Việt

189

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT